Logo
Kinh nghiệm HOẰNG PHÁP 2

Tôi có kinh nghiệm hơn 50 năm đảm trách việc hoằng pháp, từ thời kỳ khó khăn nhất đến thời kỳ đất nước độc lập với chủ nghĩa xã hội. Theo tôi, mỗi giai đoạn lịch sử có những sự kiện diễn biến khác nhau, nên chúng ta phải hoằng pháp thế nào cho thích hợp để tồn tại và phát triển; nếu cứ cố chấp một việc nào thì ta không thể thành công. Vì vậy, phải có trí tuệ để nhìn thấy đúng mà có được sự thay đổi tương ưng với hoàn cảnh, đó là phương tiện của đạo Phật.

Thật vậy, Phật Thích Ca và mười phương Phật có sự nối kết với nhau, nhưng đây là thế giới Phật, nên chỉ có Phật biết và làm được. Chúng sanh không thể hiểu và không thể làm, nên Phật phải khai pháp môn phương tiện. Suốt một đời thuyết pháp của Phật đều là phương tiện được Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, đừng chấp vào ngón tay, phải có trí tuệ để tìm thấy chân lý. Chấp ngón tay rơi vào chấp pháp thì làm đạo không thành công.

Tạng kinh Nikaya theo Phật giáo Nguyên thủy có thể rút gọn còn ba phần chính là giới, định, tuệ. Nghĩa là Phật dạy con người trở thành đức hạnh, đó là giới. Chúng ta phải thấy đức hạnh quan trọng nhất, gọi là vô tác giới thể, tức là sự chứng đắc. Còn phương tiện thì chúng ta có giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Ưu-bà-tắc. Vì giới là phương tiện nên có gia giảm, đối với chư Tăng thì chừng đó giới là vừa, nhưng đối với chư Ni, phải tăng thêm giới, với cư sĩ thì giới được bớt đi, vì hoàn cảnh gia đình ràng buộc.

Chính vì giới là phương tiện, nên lập giáo khai tông, Phật chỉ có Tam quy là đủ. Muốn trở thành đệ tử Phật chỉ cần thọ Tam quy, nhưng sau 12 năm, số người tu đông đã tạo nên tình trạng phức tạp. Vì vậy, Phật đặt giới để loại ra những người tà giáo chen vào phá hoại, cản trở việc tu hành. Có thể thấy rõ Phật muốn bảo vệ người thực tu giúp họ đắc đạo, vào vô tác giới thể là chính, còn tất cả là phương tiện; vì thế, nếu chấp giới tướng sẽ làm mờ giới thể.

Bắt đầu tu, tôi phát hiện điều này trước. Trong ba tháng an cư, Hòa thượng Thiện Hòa cấm học tăng ra khỏi giới trường. Các thầy ưa ra ngoài là hướng ngoại cảm thấy khó chịu vì bị luật này ràng buộc. Nhưng tôi thấy thoải mái hơn trong mùa an cư, nhờ cấm ra ngoài giới trường, chúng ta còn thì giờ đọc kinh, tham thiền. Tôi thấy rõ giới bảo vệ chúng ta. Trong lúc đó, những thầy có nhu cầu đi ra ngoài, phải đi cầu an, cầu siêu. Tôi nhận thấy pháp cấm túc an cư giúp tâm chúng ta thanh tịnh lần, diệt được ba độc tố tham, sân, si để chúng ta đạt vô tác giới thể thì chúng ta trở thành thanh tịnh Tỳ-kheo là người đức hạnh trên cuộc đời.

Tăng Ni phải thể nghiệm yếu nghĩa Phật dạy, vì chúng ta học nhưng không áp dụng thì sau này trở thành nhà hùng biện, hay danh tự Pháp sư, không phải người tu.

Vô tác giới thể quan trọng, còn phương tiện là giới tướng. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, Phật chỉ cho 4 giới trọng tội, về sau mới tăng lên vì có người phạm tội, Phật mới cho thêm 13 giới Tăng tàn. Các thầy bắt đầu nghĩ cất am, cốc, chùa, Phật mới chế giới cất am, cốc, chùa. Nếu các thầy không nghĩ đến cất am, cốc, chùa thì cũng không cần giới này.

Nghĩ đến cất am thì kiếm đất cắm dùi là sai phạm rồi. Vì vậy, Phật chế ra muốn cất am phải nhờ Tỳ-kheo có trí tuệ chỉ chỗ không có tai nạn và không chướng ngại, vì đến chỗ bị chướng ngại, có tai nạn, làm sao tu.

Tỳ-kheo có trí tuệ am tường luật lệ, luật thuộc quốc gia, lệ thuộc địa phương. Nhờ Tỳ-kheo am tường luật lệ chỉ cho mình, không phải muốn cất am cốc ở đâu cũng được. Cất chùa còn khó hơn nữa. Ở Việt Nam hiện nay, Luật Tôn giáo quy định cất chùa phải có đất hợp pháp do Nhà nước cấp gọi là đất tôn giáo.

Ở đây, 23 hecta đất được luật pháp quy định cho chúng ta xây dựng Học viện, như vậy là đất trường học hợp pháp, chúng ta mới tập chúng vô học yên ổn. Thêm nữa, Giáo hội thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng chùa Bát Bửu Phật Đài trên 3 hecta là đất tôn giáo.

Phật chế nếu là Tỳ-kheo trí tuệ đạt giới thể vô tác chẳng những biết luật pháp, thậm chí họ còn tư vấn cho nhà vua cách trị nước an dân; đó là các vị cao tăng mà sử sách còn ghi công đức của các ngài. Ngày nay, thấp hơn một bậc, chúng ta tôn trọng luật pháp, đất tôn giáo được cất chùa, xây trường thì có luật riêng.

Học luật phải hiểu đó là phương tiện mà Phật đặt ra vì có người vi phạm. Đừng cố chấp mà nói luật quy định như vậy thì không thể khác.

Từ giới chúng ta tu hành trở thành người đức hạnh là mẫu người được xã hội cung kính, tôn trọng là gặt hái được Sa-môn quả.

Định là có sức tập trung vì không bị phiền não quấy rầy và tập trung được thì huệ sanh, định và huệ gắn liền với nhau.

Tạng kinh A-hàm tóm gọn còn lại ba chữ giới định tuệ, tức trở thành người đức hạnh, an tĩnh và trí tuệ, đắc quả A-la-hán là bậc Thánh trong nhân gian. Nhưng qua kinh Pháp hoa khẳng định rằng nếu thiệt chứng A-la-hán mà không tin Pháp hoa thì không phải là A-la-hán. Vì vậy, có sự tranh cãi giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa.

Theo tôi, không tin Pháp hoa là cố chấp. Pháp hoa là gì. Thân giới đức theo Pháp hoa được ví như hoa sen ở trong bùn nhưng không nhiễm bùn mà tỏa hương sen là hương đạo đức. Tỳ-kheo tu Pháp hoa đã thành tựu giới đức và giới đức lan tỏa lực thuyết phục, cảm hóa người khác. Như vậy, kinh Pháp hoa và giới đức là một, hay Pháp hoa và Nguyên thủy là một.

Trong ba tụ (Luật nghi, thiện pháp, nhiêu ích hữu tình), trí tuệ cũng là yếu tố rất quan trọng. Đức Phật thấy được thậm thâm vi diệu pháp, hay chiều sâu tận cội nguồn của chúng sanh, của tất cả các pháp do nhân duyên sanh, vì Ngài có tuệ giác vô thượng.

Kinh Pháp hoa cũng khẳng định rằng hành giả thấy nhân duyên và tùy theo nhân duyên mà hành đạo thì hoằng pháp thành công. Điển hình là Đức Phật thấy nhân duyên người đáng độ, lúc nên nói, nơi nào nên tới, cho nên việc hoằng hóa độ sanh của Ngài luôn thành tựu viên mãn. Vì vậy, kinh Pháp hoa đòi hỏi Tỳ-kheo phải có trí tuệ.

Như vậy, thử nghĩ xem trên nền tảng giới định tuệ của người tu thì kinh Pháp hoa và kinh Nguyên thủy có phải là một hay không.

Kinh Nguyên thủy gộp lại còn ba điều chính yếu là giới, định, tuệ. Nhưng kinh Pháp hoa nói rằng trước khi Phật nói Pháp hoa, Ngài nói kinh Vô lượng nghĩa. Và kinh Vô lượng nghĩa triển khai ba vấn đề then chốt là đức hạnh, trí tuệ và làm lợi ích cho chúng sanh. Vì nếu có đức hạnh và trí tuệ nhưng không làm lợi ích cho chúng sanh thì coi như không có gì. Vì vậy, kinh Pháp hoa quy định thêm việc làm lợi ích cho cuộc đời. Điều này có trái với Phật giáo Nguyên thủy không. Dứt khoát là không.

Thật vậy, sau khi Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như và 50 thanh niên Da Xá đắc quả A-la-hán, Ngài bảo mỗi người đi một hướng để cảm hóa mọi người. Vì thực sự đắc Thánh quả được giải thoát, an lạc thì phải truyền trao thành quả này cho người khác cũng được lợi lạc như mình. Vì vậy, làm lợi ích cho chúng sanh thì phải đắc A-la-hán có giới định tuệ mới làm được, nhưng chưa đắc Thánh quả, không nên nóng vội, làm sẽ hỏng.

Chúng ta cũng nhận thấy rõ Đức Phật phải đắc đạo và dùng trí tuệ quán sát người có duyên mới đến độ. Vì vậy, Phật đã khẳng định rằng có ba điều Ngài không làm được, một trong ba điều đó là Ngài không thể độ người không có duyên với Ngài.

Riêng tôi, khi sang Pháp làm nghiên cứu sinh, gặp ông đại thí chủ mời tôi về nhà. Ông nói thầy về nhà con ở trên lầu rất yên tĩnh, mỗi ngày có người bưng cơm nước, con lo cho thầy đầy đủ. Tôi làm thinh, suy nghĩ và nhớ lại xưa kia vua Tần Bà Sa La đã thỉnh Sa-môn Cù Đàm về cung cúng dường, nhưng Ngài từ chối, bỏ đi nơi khác. Vì lúc đó Ngài chưa đắc đạo, nếu ở cung vua nay ông hỏi thế sự, mai hỏi đạo, mốt hỏi đủ thứ chuyện, làm sao tu, trong khi Ngài cần có đủ thời gian yên tĩnh để thiền quán.

Tôi nghĩ mình cũng gặp phiền phức khi nhận lời, vì ông mời về chắc chắn hỏi hết việc này đến việc khác làm mình rối loạn thì công trình nghiên cứu phải bị dở dang. Tôi liền trở về Nhật, tuy cuộc sống hẩm hiu, nhưng thấy an lành, suốt ngày tôi ở thư viện, đọc sách, suy nghĩ và còn làm được nhiều việc.

Vì vậy, kinh Pháp hoa dạy chúng ta đạt được trí tuệ, thấy được lý nhân duyên, thấy việc đáng làm mới làm. Chưa có trí tuệ, nên cẩn thận, vì làm dễ thọ nạn, khó trở lại cuộc đời tu. Đó là kinh nghiệm mà tôi nhắc nhở quý thầy còn ngồi ghế nhà trường cố gắng rèn luyện có đạo đức, có trí tuệ, không bị tam độc tham, sân, si tác hại thì mới nên ra làm.

Thể hiện lý này, sau khi đắc đạo, các nhà truyền giáo đi từ nước này sang nước khác nghĩa là đi làm đạo của các ngài có trí tuệ soi sáng, thấy nên đi chỗ nào.

Năm nay, tôi có dịp đến thăm Trường Đại học Rissho, Tokyo, nơi tôi đã tốt nghiệp, lúc đó trường này làm lễ kỷ niệm thành lập 100 năm. Lần này tôi qua Nhật, có điều kiện trở lại thăm trường xưa đúng vào dịp kỷ niệm 150 năm thành lập trường. Tôi được biết các thầy dạy và các bạn quen ngày xưa đều qua đời. Giáo sư Saitoo, Viện trưởng bây giờ còn trẻ, hơn 50 tuổi, cho biết trường đã nhiều lần thay đổi Viện trưởng. Tất cả những gì ngày xưa mà tôi quen thuộc, nay không còn, mọi thứ đều thay đổi.

Tôi nghĩ các thầy cố gắng tu học để sau này có những đóng góp thiết thực làm cho trường chúng ta cũng phát triển tốt đẹp giống như vậy. Việt Nam chưa có trường Phật học nào kéo dài 100 năm.

Trong thời gian ở trường, các thầy cố học hiểu sâu sắc Phật pháp và ứng dụng để đạt trí tuệ, phải thấy chỗ có duyên đến hoằng pháp, người có duyên đến độ.

Ngoài ra, ở Nhật, tôi cũng tới thăm ngôi chùa, từ thế kỷ thứ VIII đã có Thiền sư Phật Triết là người Việt Nam đi bè tre vượt biển đến chùa này để làm lễ an vị tượng Tỳ Lô Giá Na và sáng tác nghi tán hoa cúng Phật. Khi tham quan chùa này, tôi thấy tấm bia ghi Phật Triết ở Việt Nam sáng tác vũ điệu dâng hoa cúng Phật và Bồ Đề San Na làm lễ khai quang tượng Phật.

Tôi nói với thầy trụ trì rằng theo tôi nghiên cứu thì không phải như vậy. Ở Việt Nam, Bồ Đề San Na và Phật Triết, hai tên này là một người, vì dịch nghĩa là Phật Triết, còn ký âm là Bồ Đề San Na. Nghe tôi nói vậy, thầy trụ trì nói sẽ nghiên cứu lại.

Ngài Phật Triết đắc đạo, thấy chỗ nên tới. Vì vào thời đó, Việt Nam là nước bị nhà Đường đô hộ, nên Ngài bỏ đi, sang Nhật là nước có chủ quyền, Ngài mới có cơ hội đóng góp, khai hóa cho Phật giáo được.

Biết chỗ nên tới làm đạo được mới đi, chỗ không làm được, nên tránh. Tôi hoằng pháp yên ổn trong suốt thời gian dài nhờ biết rõ lý nhân duyên.

Nếu các thầy có huệ như ngài Phật Triết biết sang Nhật làm được lợi lạc cho đạo thì tốt, nhưng mình không biết thì có thể đi thử. Người ta mời thỉnh, đi thử để quan sát xem làm được thì làm, không làm được, nên tránh. Giả sử sau này nếu các thầy lọt vô vùng ngoại đạo tà giáo, phải cố gắng giữ mạng sống đi về.

Hoằng pháp có nhiều mặt, phải vận dụng trí tuệ khéo léo để mình còn sống, còn lưu lại trong lòng người những ý niệm tốt đẹp.

Như đã nói, có lần tôi dự hội nghị tôn giáo thế giới và được mời vô ở Tòa Tổng Giám mục của Đức Hồng y, Thiên Chúa giáo ở nước Ý, đương nhiên ở đó không có gì giống mình cả. Thiết nghĩ mình vô hoàn cảnh khác thì phải có suy nghĩ khác, việc làm khác để tồn tại.

Trên bước đường hoằng pháp, đừng tạo khoảng cách tôn giáo rất nguy hiểm. Làm sao tôn giáo khác chấp nhận mình làm bạn. Cố xây dựng những điều họ chấp nhận được, đừng đụng vô cái của họ, nhưng khơi dậy cái họ cần biết là chấp nhận được.

Trong Phật giáo có những điều mà các tôn giáo khác muốn học, hiểu và học với người có kinh nghiệm. Đức Hồng y dẫn tôi vô chỉ cho thấy họ có bộ Đại tạng kinh của mình. Tôi nói hiện nay không phải là thời kỳ đối đầu, nhưng cần bổ sung kiến thức cho nhau.

Thiên Chúa giáo có điểm hay thì mình học, không chê. Nên cởi mở, hòa hợp với các tôn giáo khác mới an toàn; để rơi vào thế cực đoan là tự cô lập mình cho đến mức mình bị tiêu diệt là hỏng.

Vì vậy, thành tựu giới định tuệ theo tinh thần Nguyên thủy và đi hoằng pháp phải phát tâm Đại thừa là làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng muốn được như vậy, phải có phương tiện huệ mới giải thoát, không có phương tiện huệ thì việc làm bị nhiều hạn chế.

Theo kinh nghiệm của tôi, đi hoằng pháp bất cứ chỗ nào, nếu đến chỗ thuận duyên thì thuyết pháp theo thuận duyên. Nhưng đến chỗ không thuận duyên, nhẹ nhất là tìm cách thoát thân. Nếu giỏi hơn thì đến chỗ không thuận duyên, phải chuyển nghịch thành thuận, nghĩa là tìm được người chia sẻ thì ta chia sẻ và học cái hay của họ.

Cần khẳng định rằng làm hoằng pháp không được cố chấp hệ tư tưởng nào, phải tu học cho thành tựu giới định tuệ và sử dụng trí tuệ làm lợi ích cho cuộc đời thì Phật giáo phát triển. Nếu không mang đến lợi ích gì cho xã hội, Phật giáo tồn tại trong tình trạng đáng buồn là đứng bên lề xã hội.

Để đáp ứng lợi ích cho nhiều người, các nhà truyền giáo dùng vô số phương tiện, không bài bác các tín ngưỡng khác là mê tín dị đoan. Thực tế cho thấy các nhà truyền giáo nhận thấy nhân dân tín ngưỡng gì thì họ tạm chấp nhận để rồi về sau, chuyển hóa họ theo con đường tuệ giác.

Nếu các thầy cứ khăng khăng rằng Phật giáo chỉ tu thôi, không có cúng bái, cầu nguyện gì hết. Nhưng nhân dân cần cúng bái, mà mình không đáp ứng nhu cầu này là chúng ta đẩy họ theo tà giáo để thỏa mãn ham muốn cúng bái. Dân chúng còn đặt niềm tin vào cúng bái, mình cũng sử dụng phương tiện này, để dần dần chuyển hóa họ sống theo lời Phật dạy sẽ có được cuộc sống hạnh phúc lâu dài.

Sử sách còn lưu dấu ấn son sắt của những Thiền sư đắc đạo có đủ cách làm như cố vấn cho nhà vua trị nước an bang, làm thuốc cứu người, dạy dân trồng trọt thu hoa lợi dễ dàng… Không phải chỉ thuần tu, nhưng tu học đúng đắn và dùng phương tiện cứu đời giúp người, mới đưa sinh hoạt Phật giáo phát triển được.  

LỊCH VẠN NIÊN
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN
2023 Copyright © Chùa Long Vân. Design by Nina.vn
Đang online: 2   |   Tổng truy cập: 56386
Đăng ký quy y
Form đăng ký quy y
Hotline tư vấn miễn phí: 0936675063

LONG VÂN TỰ

LONG VÂN TỰ

LONG VÂN TỰ